Năm 1950, chiếc máy Photocopy đầu tiên ra đời, đây là một cuộc cách mạng KHKT lớn trong sao chụp giấy tờ văn bản. Ngày nay chúng ta đã có thể tạo ra những văn bản với chất lượng cao không kém gì bản chính với thời gian thật nhanh nhờ máy Photocopy.
Nguyên tắc hoạt động của máy Photocopy.
Hẳn chúng ta đã biết về một thí nghiệm vật lý vui: Khi cọ sát đuôi bút máy lên tóc hay que thuỷ tinh lên len, thì nó có khả năng hút các vật nhẹ, đó chính là tác dụng của tĩnh điện, được ứng dụng để làm ra máy photocopy. Tĩnh điện này có điện thế cao hàng chục ngàn volt, tạo ra vùng ánh sáng hồ quang điện chói loà, được nạp đều lên bề mặt trục in (trục cảm quang) Selenium của máy (một số máy cũ là tấm phẳng) và tích điện tĩnh cho nó. Mặt khác, dựa vào đặc tính ánh sáng là vật chất hạt sóng mang năng lượng cung cấp cho các ”pin mặt trời” làm bạc màu quần áo và làm nóng các vật khi nó chiếu vào, người ta hướng ánh sáng qua hệ thống gương quang học chụp lại hình ảnh từ tài liệu gốc sang trục in của máy. Dưới tác dụng của ánh sáng và hệ thống quang học, nội dung bản gốc được tái hiện trên trục in, chỗ giấy trắng phản xạ nhiều, vùng sáng làm chất cảm quang dẫn điện nên điện tích vùng này bị trung hoà, nó mất tác dụng hút mực do không còn tĩnh điện. Ngược lại, chỗ nào có hình ảnh ánh sáng sẽ không khử điện tĩnh đã tích điện trên trục, có tác dụng tạo thành ”phim âm bản” trên trục in của máy. Như vậy, trên bề mặt của trục in đã ghi lại hình ảnh của tài liệu gốc đang tĩnh điện. Ngay lúc này, nếu trục in hút các hạt mực bột từ thì chúng ta sẽ có những bức ảnh. Bởi các hạt mực này là bột mực và bột từ trộn đều với nhau nên bị trục in hút dễ dàng. Trục in quay hình ảnh tĩnh điện này sẽ hút mực từ trong ống mực và giữ các hạt mực ấy theo nội dung bản gốc đã dính đều trên trục in. Trục tiếp tục quay và mực từ được ép lên giấy. Bên dưới bề mặt giấy in có nguồn điện cao áp mạnh hơn nhiều so với điện tĩnh đã tích trên trục, do đó các hạt mực từ được hút và dính chặt vào bề mặt giấy.
Khử điện tích cao áp bằng nguồn điện cao áp xoay chiều: Giấy được đưa ra khỏi trục in và đẩy qua bộ trục ép dưới sức ép của trục, sức nóng của đèn nung. Bộ trục ép gồm 3 trục, một trục bằng nhựa mềm có tác dụng ép chặt mực từ, trục thứ 2 mang nhiệt độ cao (khoảng 150oc) làm nóng chảy mực, dán lên mặt giấy, trục thứ 3 phủ bên ngoài một lớp nỉ tẩm dầu dùng chùi sạch mực còn sót trên bề mặt trục có nhiệt độ cao. Nguồn điện cao áp tiếp tục khử hết điện tích dư trên bề mặt trục in, phần mực in được gột sạch đưa trở về hộp.
Những sự cố thường gặp khi sử dụng máy Photocopy
Máy Photocopy có độ phức tạp khá cao với các bộ phận chức năng tinh vi như: Phần so sánh và điều chỉnh độ đậm nhạt của mực in, phần ngưng máy tự động khi có sự cố (kẹt giấy hay hết mực) bộ nhớ hạn định số lần sao chụp, bộ phận điều khiển phóng to hay thu nhỏ, phần phát hiện và báo nơi hư hỏng… các phần này chủ yếu được thực hiện bằng vi mạch điện tử, nên khi sử dụng phải ít nhiều hiểu biết về nguyên tắc của nó:
Do độ nhậy khá cao của các phần cảm biến báo sự cố nên nhiều khi máy báo ”sự cố giả”, trong trường hợp này, chỉ cần tắt nguồn cung cấp, sau đó đóng lại thì máy sẽ hoạt động bình thường.
Các hư hỏng thường gặp:
1. Không có hình: Thường do mất mát trục in (trục cảm quang).
2. Hình bị bẩn: Thường do bộ phận gột mực trục in và trục nhiệt ép nóng bị hỏng.
3. Kẹt giấy: Có thể do giấy xấu, mỏng, hoặc do bộ phận cảm biến báo kẹt giấy bị hỏng.
4. Xước hình: Bình thường do mực xấu hay trục quay quá cũ, cũng có thể do tĩnh điện đã yếu.
Máy sử dụng hiệu ứng tĩnh điện lại có nhiều trục cán, nên cần sử dụng loại giấy khô ráo, nhẵn tốt để bản sao được đẹp và bảo vệ tuổi thọ của máy.
Khi vận hành, máy Photo tạo ra nguồn sáng mạnh và điện áp khá cao, làm Ion hoá không khí xung quanh rất mạnh, tạo ra khí ozon(O3) không tốt cho sức khoẻ, do đó cần đặt máy nơi thoáng mát và tránh hít phải khí này.
Tham gia bình luận